CẨN THẬN VỚI ONG ĐỐT
Ngày đăng: 18/09/2014
Lượt xem: 15563
Tuần qua, khoa cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận và xử trí 2 trường hợp bị ong vò vẽ đốt ổ Dak Nông trong tình trạng khá nguy kịch.Theo lời người nhà thì 3 chị em chơi ngoài vườn, bé em 7 tuổi vô tình run cây có tổ ong vò vẽ, đàn ong bị động tổ đã bay túa ra đốt 3 chị em hàng chục nhát. Dù đã được người nhà phát giác sớm, xua bầy ong đi và đưa nhập viện cấp cứu ngay nhưng hậu quả để lại cho 3 chị em vẫn thật thương tâm. Bé em nhỏ nhất đã tử vong vào nửa ngày sau đó, bé em trai 5 tuổi thì chiều cùng ngày nôn ra máu bầm và tiểu ra máu đỏ tươi. Bé gái lớn nhất 8 tuổi thì tình trạng khá hơn nhưng cũng khá nguy kịch. Cả 2 bé đã được chuyển viện cấp tốc lên bệnh viện Nhi Đồng 2. Tại đây, các bác sĩ khoa cấp cứu và hồi sứu nhận định đây là trường hợp rối loạn đông máu nặng do độc tố của ong. Các bé đã được nhanh chóng hồi sức và lọc máu khẩn ngay sau đó liên tục 2 ngày. Vào ngày thứ 3 của bệnh, tình trạng của các bé mới tạm ổn định và chuyển về khoa nội tổng hợp điều trị tiếp. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân, khoa nội tổng hợp, cho biết đếm được trên người bé lớn C.T.T.M bị ong đốt hơn 15 vết đốt, bé kế C.Q.T bị nặng hơn với hơn 35 vết.
Do đó, hiện thời bé nhỏ vẫn còn sưng mắt, sưng mặt và tay chân, tình trạng chỉ là tạm ổn, vẫn cần theo dõi sát diễn biến tiếp theo đó. Bác sĩ cho biết khoa vẫn thường tiếp nhận những trường hợp bị ong đốt nhưng 2 trường hợp này là khá nặng. Khi bị ong đốt thì tùy theo loại ong mà nọc độc sẽ ít hay nhiều. Ong gần như không độc là ong mật. Các loại ong mà độc tố có thể gây chết người có khi chỉ với vài vết đốt là ong vò vẽ, ong đất (ong bắp cày), ong bầu. Đặc biệt thường gặp các bé bị ong vò vẽ và ong đất đốt. Nhận biết ong vò vẽ qua thân và bụng ong khá thon gọn, có khoang đen xen kẽ khoang vàng. Đầu ong rộng bằng ngực, không nhẵn, có nhiều nốt rỗ lấm chấm nhỏ, lông tơ cứng, ngắn và thưa. Ong vò vẽ thường làm tổ nơi lộ thiên, trên cành cây hay bụi cây, có khi làm tổ trong mái nhà. Ong đất thân màu đen, chấm vàng, đầu và ngực có nhiều lông tơ màu nâu vàng, thường làm tổ ở bụi cây, sát mặt đất, trong đống cây mục. Khi bị ong đốt thì tùy theo số lượng nhát đốt mà có thể gây sốc phản vệ, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu...Do đó, biết cách xử trí khi bị ong đốt là hết sức cần thiết. Khi bị ong đốt, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh, cần tìm chỗ tránh ngay, không vung tay xua đuổi ong loạn xạ càng thu hút số lượng ong tới nhiều hơn. Nọc ong được chứa trong 2 tuyến nọc dẫn vào một kim chích sau đít ong. Vì vậy, sau khi bị ong chích, cần rửa sạch những chỗ có vết chích bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng và dùng kềm nhỏ để rút hết các vòi chích của ong ra, có thể đắp khăn lạnh hay túi chườm nước đá lên vùng sưng nề trong khoảng 15-20 phút để làm giảm đau giảm đau và giảm sưng. Các dấu hiệu chứng tỏ nạn nhân bị ong độc đốt là : nạn nhân than mệt nhiều, tay chân lạnh, da nổi mẩn, tiểu đỏ, tiểu ít, khó thở. Khi đó, nên đặt nạn nhân nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan chuyển sang nơi khác; phần bị chích nên để ở vị trí thấp hơn tim và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra.
Các vết đốt của ong
ONG VÒ VẼ | ONG ĐẤT |
Đăng bởi: BS.CK1 Trương Anh Mậu, khoa ngoại
Các tin khác
Cảnh giác chấn thương thận kín ở trẻ em 12/07/2023
Tắc ruột vì 14/01/2021