Bấm vào hình để xem kích thước thật

Bé hay bị run chân trái

Ngày đăng:  21/07/2011

 
Lượt xem: 73184

Câu hỏi:

Xin chào các bác sĩ, hiện nay em rất hoang mang và lo lắng mong các các bác sĩ bỏ chút thời gian giải thích dùm em thắc mắc như sau.Con em được 22 tháng tuổi, lúc sinh bé đựợc 3 kg sinh thường, năm bé 12 tháng bé bị sốt nhiệt độ đo ở nách là 38 và bé bị co giật toàn thân tím tái khoảng 2 phút, sau co giật bé khóc, sau đó bé ngủ khoảng 15 phút mới tỉnh, lần thứ 2 bé khoảng 18 tháng cũng bị co giật và sốt nhẹ 37,5. hai lần đều cấp cứu ở bệnh viện huyện chẩn đoán bệnh sốt cao co giật và cho về nhà. Lần thứ 3 bé được 22 tháng sốt nhẹ 37,3 mà cũng co giật.em đưa bé xuống nhi đồng cấp cứu bác sĩ chuẩn đoán bệnh động kinh và cho uống depakin. Sau khi đo điện não lúc ngủ và siêu âm não  bác sĩ chẩn đoán hoạt động não phù hợp độ tuổi, không phát hiện hoạt động ? Động kinh tại thời điểm đo. nhưng  bác sĩ chẩn đoán bệnh là động kinh cục bộ và vẫn kê toa depakin tiếp tục và liều cao hơn hẹn 1 tháng tái khám. Ngoài đo điện não đồ còn phương pháp nào phát hiện bệnh không ạ. Bé uống depakin được 4 tháng rồi, từ khi bé uống thì ăn uống giảm hẳn bị sụt cân và không chịu uống sữa, bé cứ bị nhợn. hiện tượng này lúc trước không có, các bác sĩ có cho thuốc bổ kèm theo nhưng tình hình không cải thiện.Còn 1 vấn đề nữa ạ. Hiện nay con em đi đứng bình thường và nói chuyện rất rõ, rất lanh lẹ, nhưng sau bé hay run bênh chân trái  khoảng vài giây lâu lâu mới bị. lúc bé 12 tháng đi yếu chân trái có đi khám và bác sĩ cho thuốc kết hợp vật lý trị liệu, Xin hỏi hai bệnh này có liên quan với nhau không, Xin chân thành cảm ơn bác sĩ  rất nhiều. Mong nhận đuợc hồi âm của bác sĩ.Huỳnh Thị Hồng Vân

Trả lời:

Chào bạn!
 
Con của bạn bị sốt co giật trong 2 lần giật đầu tiên, với lứa tuổi và kiểu co giật có thể kết luận đó là trường hợp sốt co giật đơn giản. Tuy nhiên lúc đó có 1 yếu tố cần chú ý đó là thân nhiệt chưa cao đã xảy ra co giật. Và 1 số dữ kiện khác nữa cũng cần biết thêm, đó là thời gian từ lúc sốt đến lúc co giật là bao lâu (vì co giật xảy ra càng sớm khi bắt đầu sốt thì tiên lượng càng không tốt), thứ hai là trong gia đình có người nào bị co giật hay động kinh không?
 
Cơn co giật thứ 3 xảy ra khi trẻ không sốt (sốt được tính khi thân nhiệt bằng hoặc trên 37,5 độ C). Đây chính là yếu tố cho phép nghĩ đến động kinh. Từ yếu tố này kết hợp với tình trạng co giật tái phát khi sốt nhẹ trước đó, điện não đồ là yếu tố thêm nữa giúp cho chẩn đoán. Tuy nhiên vì điện não chỉ ghi được ngoài cơn giật và ỏ trẻ em chỉ đo lúc ngủ nên tỉ lệ ghi được điện não dạng động kinh không cao. Có nghĩa là điện não bình thường vẫn chưa thể loại trừ động kinh. Để hỗ trợ cho chẩn đoán động kinh trong những trường hợp khó đôi khi phải thực hiện điện não Video hoặc ghi nhận bất thường chuyển hóa Glucose ở não bằng các xét nghiệm rất cao cấp như SPEC hay PET scan. Điều này thực tế rất ít dùng tới và đặc biệt là trẻ em vì gây nguy hiểm cho trẻ và rất tốn kém. Vì vậy vấn đề chẩn đoán bệnh cho con bạn có cơ sở và chưa có chỉ định xét nghiệm thêm. Về điều trị có thể sẻ xem lại bởi những triệu chứng có thể là tác dụng phụ của thuốc đang được chọn dùng.
 
 Còn một vấn đề nữa là triệu chứng run giật cục bộ ở chân T của cháu, cùng với hiện tượng yếu chân bên đó lúc nhỏ có thể gợi ý 1 tổn thương thực thể gây yếu chân và gây cơn động kinh cục bộ triệu chứng. Vì vậy đây có thể là vấn đề liên quan, khả năng về một bệnh độc lập khác ít xảy ra hơn.
 
 Tóm lại bạn nên đưa cháu đi tái khám và trao đổi trực tiếp với bác sỹ điều trị để giải quyết cụ thể mọi vấn đề của cháu.

 Mong bạn bình tâm.


Trả lời bởi: BS.CK2.Lê Thị Khánh Vân - Trưởng khoa Thần kinh

[Trở về]

Các tin khác