Xoắn ruột ở trẻ sơ sinh: Nâng cao nhận thức và phòng ngừa
Ngày đăng: 05/08/2024
Lượt xem: 1739
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng khi trẻ sơ sinh bú ít và quấy khóc là tình trạng rất thường gặp nên đã lơ là chủ quan mà không biết rằng sức khỏe của bé có thể đang gặp nguy hiểm!
Vừa qua, bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận một trường hợp bé nữ 9 ngày tuổi bị xoắn ruột non với những triệu chứng rất khó phát hiện. Khi đưa bé đến khám, mẹ bé cho biết 2 ngày nay bé bú ít và quấy khóc nhiều lần trong ngày. Qua quá trình khám bệnh ngoài việc bụng chướng nhẹ, rên rỉ lừ đừ thì điều đặc biệt là bé không có bất kì triệu chứng gợi ý bệnh lý nào khác như bụng nề đỏ hay đi tiêu phân nhầy máu. Sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, hội chẩn đa chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán bé bị xoắn ruột do ruột xoay bất toàn và bé được phẫu thuật cấp cứu sau 1 giờ nhập viện.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ với sự phối hợp liên chuyên khoa Hồi sức Sơ sinh – Gây mê hồi sức và bác sĩ Ngoại nhi. Các bác sĩ đã thực hiện tháo xoắn các quai ruột, mở rộng chân mạc treo, cắt dây chằng Ladd.
“Nếu bỏ qua ‘thời gian vàng’ để có thể cứu đoạn ruột bị xoắn, ruột có nguy cơ bị hoại tử phải cắt bỏ, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của trẻ và thậm chí nguy cơ tử vong do sốc nhiễm trùng, nhiễm độc là rất cao. May mắn bệnh nhi được chẩn đoán và xử trí kịp thời, khi ruột chưa bị hoại tử nên không phải cắt nối ruột trong cuộc phẫu thuật”, TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết.
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, xoắn ruột có nhiều nguyên nhân nhưng xoắn ruột do ruột xoay bất toàn là một bệnh lý bẩm sinh ở trẻ, với tỷ lệ 1/6000, nghĩa là cứ khoảng 6.000 ca sinh sống thì có 1 ca phát hiện ruột xoay bất toàn. Khi còn là bào thai, ruột của em bé chưa xoay về đúng vị trí, có thể xoay giữa chừng rồi ngưng làm ruột xoắn dính, gây tắc ruột. Bệnh rất khó phát hiện ở trẻ sơ sinh do biểu hiện của bệnh khó nhận biết, dễ nhầm lẫn với việc nôn trớ thông thường nên trẻ thường nhập viện trễ. Nhiều trường hợp không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tình trạng xoắn ruột sẽ dẫn đến suy kiệt, sụt cân, mất nước, thậm chí suy gan và thận, nếu để lâu ruột sẽ bị xoắn dẫn đến hoại tử, nhiễm trùng, phải cắt bỏ ruột, nguy hiểm tính mạng.
Theo BS.CKI. Phan Nguyễn Ngọc Tú – Phòng Kế hoạch Tổng hợp cho biết trong 6 tháng đầu năm Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận và điều trị hơn 60 trường hợp trẻ sơ sinh có tình trạng cấp cứu bụng ngoại khoa từ các bệnh viện sản và các bệnh viện tuyến dưới chuyển đến. Số ca xoắn ruột cần can thiệp phẫu thuật chiếm tỉ lệ gần 30%. Trong đó số ca xoắn ruột gây hoại tử ruột cần phải cắt bỏ ruột chiếm 60-80%, do đa phần bệnh nhân nhập viện trễ quá “thời gian vàng” để cứu ruột.
Tỷ lệ thành công trong việc bảo tồn ruột khi trẻ bị xoắn ruột phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ nghiêm trọng của tình trạng xoắn, thời gian chẩn đoán và điều trị. Nhìn chung, chẩn đoán sớm và can thiệp phẫu thuật kịp thời có thể cải thiện đáng kể kết quả. Nếu được điều trị kịp thời, tỷ lệ thành công có thể khá cao, thường trên 90%. Tuy nhiên, nếu tình trạng không được xử lý nhanh chóng và ruột bị hoại tử, khả năng cứu được ruột sẽ giảm đi đáng kể.
Một số dấu hiệu/ triệu chứng xoắn ruột ở trẻ mà cha mẹ không nên bỏ qua
– Bụng chướng lên
- Trẻ khóc thét lên từng cơn, quấy khóc nhiều mà không dỗ được
– Trẻ bỏ bú hoặc bú kém
– Trẻ nôn ra dịch màu xanh hoặc vàng
– Trẻ đại tiện ra máu lẫn chất nhầy màu đỏ hoặc màu nâu, đen
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ có các triệu chứng, dấu hiệu của xoắn ruột?
Khi thấy trẻ có biểu hiện quấy khóc, nôn trớ nhiều, bụng chướng, đi ngoài ra máu mà không rõ nguyên nhân, gia đình cần sớm đưa trẻ tới bệnh viện để được điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự chữa trị cho trẻ tại nhà vì có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Xoắn ruột trên nền ruột xoay bất toàn là tình trạng nguy hiểm cần được can thiệp khẩn, với biểu hiện thường gặp là ói dịch mật trên một trẻ hoàn toàn khỏe mạnh trước đó. Chẩn đoán thường dựa trên siêu âm và X-quang thực quản dạ dày cản quang. Phương pháp phẫu thuật điều trị tiêu chuẩn hiện nay là phẫu thuật Ladd.
BS.CK1 Phan Nguyễn Ngọc Tú - Phòng Kế hoạch tổng hợp
Đăng bởi: Nguyễn Tâm
Các tin khác
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 12/2024 04/12/2024
Thông báo mời tham dự Hội nghị Khoa học Ghép tạng Trẻ em năm 2024 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 25/11/2024