Bấm vào hình để xem kích thước thật

Trẻ bất ngờ diễn tiến nặng sau khi khỏi Covid-19

Ngày đăng:  08/03/2022

 
Lượt xem: 3856

1. MIS-C LÀ GÌ?
Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) là tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa.

Cho tới nay, nguyên nhân chính xác của MIS-C còn chưa rõ, có thể là hậu quả của tình trạng đáp ứng miễn dịch quá mức của cơ thể với nhiễm virus SARS-CoV-2. MIS-C có thể nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong sau 2 - 6 tuần nhiễm Covid -19.

Theo CDC, trẻ em bị bệnh với MIS-C cần được điều trị trong bệnh viện. Một số sẽ cần được chăm sóc trong phòng chăm sóc đặc biệt. Tuổi trung bình của bệnh nhân Mis-C là 9 tuổi, một nửa số trẻ mắc Mis-C trong độ tuổi từ 5-13 tuổi. Tỉ lệ mắc Hội chứng MIS-C khoảng 2/100.000 trẻ và 60% bệnh nhân được báo cáo là nam giới.
Nếu trẻ không được chẩn đoán chính xác và không kịp thời điều trị đúng hướng thì nguy cơ tử vong rất cao, chi phí lớn.
 
2. KHI NÀO CẦN ĐƯA TRẺ ĐI KHÁM HẬU COVID-19 VÀ KHÁM Ở ĐÂU?
- Với trẻ mắc Covid-19, sau khi âm tính khoảng 2-6 tuần, biểu hiện: sốt cao trở lại trên 38°C kéo dài trên 24 giờ, phát ban, phù nề, rối loạn tiêu hóa, mệt, da tái, nhịp tim nhanh, đỏ mắt… cần cho trẻ đi khám, điều trị sớm.
   
 
 
 
- Trong trường hợp trẻ không nhiễm bệnh, nhưng khu vực sinh sống có nhiều người nhiễm hoặc gia đình có người bị nhiễm Covid-19, cha mẹ cũng cần chú ý quan sát, khi thấy có các biểu hiện trên cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và điều trị.
Bạn cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế hoặc bệnh viện chuyên khoa nhi để các bác sĩ khám, đánh giá tình trạng của trẻ.
 
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, nơi quy tụ đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn, tâm huyết, được đào tạo chuyên sâu về hồi phục sức khỏe trẻ em sau điều trị Covid-19, các bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm để khẳng định chẩn đoán cũng như phân biệt với các bệnh lý khác như bệnh Kawasaki cũng như nhiều bệnh lý nhiễm trùng khác như sốt xuất huyết, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm độc…. Xét nghiệm được chỉ định tùy vào mức độ bệnh cũng như các triệu chứng lâm sàng kèm theo.
Các xét nghiệm thường được làm cho những trẻ bị MIS-C bao gồm:
- Xét nghiệm máu đánh giá tình trạng đông máu, phản ứng viêm của cơ thể, tình trạng nhiễm trùng, chức năng gan, thận; xét nghiệm đánh giá tổn thương tim.
- Cấy máu loại trừ nhiễm trùng huyết.
- Siêu âm tim đánh giá suy tim, giãn động mạch vành.
 
3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÒNG NGỪA?
Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra các dấu hiệu để biết rằng liệu một trẻ đang mắc Covid 19 có bị MIS-C sau đó hay không. Tuy nhiên, đã có nghiên cứu cho thấy trẻ chưa được tiêm vaccine covid-19, nguy cơ mắc MIS-C cao hơn so với trẻ đã được tiêm vaccine.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa MIS-C là tiêm vaccine COVID-19 cho tất cả trẻ em trong độ tuổi khuyến cáo.
Tiếp tục thực hiện các bước để phòng ngừa COVID-19 như:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trong 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn.
- Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh, đặc biệt hiện nay học sinh toàn quốc đã quay trở lại trường học, nhà trường và phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn cho học sinh giữ khoảng cách, không tụ tập chơi đùa, ăn uống,…
- Đeo khẩu trang, ngay cả khi đã được tiêm phòng đầy đủ.
- Làm sạch và khử trùng các bề mặt hay tiếp xúc hàng ngày…
- Khai báo y tế trung thực, đầy đủ.
- Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước.
 
Tác giả bài viết: CNĐD. Phạm Lâm Lạc Thư - Phó phòng Điều dưỡng.
 
 
 

Đăng bởi: Hân Nguyễn

[Trở về]

Các tin khác