Bấm vào hình để xem kích thước thật

Trẻ giật mắt, đau tai khi học online là bệnh gì ???

Ngày đăng:  11/10/2021

 
Lượt xem: 4853

Sau một thời gian học online, nhiều trẻ có triệu chứng bị giật mắt, đỏ mắt, khó tập trung,... làm các phụ huynh lo lắng, nguyên nhân do đâu?

 

ThS.BS CK2 Nguyễn Thành Danh, Khoa Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: Trong hoạt động học trực tuyến, việc tập trung vào màn hình thiết bị điện tử nhiều sẽ khiến mắt của trẻ gặp một số ảnh hưởng nhất định. Khoảng cách giữa thiết bị và trẻ, ánh sáng chưa đủ… có thể gây nên vấn đề về mắt cho trẻ.

Khi nhìn chăm chú, số lần chớp mắt ở trẻ giảm hẳn, chỉ còn 7-8 lần/phút thay vì 15-16 lần/phút gây nên cảm giác khô rát, mỏi mắt. Để khắc phục tình trạng trên, Viện hàn lâm nhãn khoa Hoa Kỳ khuyến nghị áp dụng nguyên tắc 20 - 20 - 20 như một cách để giảm nhức mỏi mắt hiệu quả. Quy tắc này được mô tả sau mỗi 20 phút nhìn màn hình, cần cho mắt nghỉ ngơi 20 giây bằng cách nhìn xa 20 feet (khoảng 6m).

 

Các thiết bị điện tử phát ra ánh sáng xanh, có bước sóng nằm sát với tia tử ngoại gây nguy cơ giảm và mất thị lực. Để phòng tránh tác hại của ánh sáng xanh, phụ huynh nên sắp xếp cho trẻ thời gian biểu học tập hợp lý, chỉnh chế độ “night light” trên màn hình máy tính. Bên cạnh đó, trẻ cần được mang kính có chức năng lọc ánh sáng xanh khi sử dụng thiết bị điện tử.  

 

Phụ huynh nên đặt thiết bị điện tử sao cho trung tâm màn hình thấp hơn vị trí của mắt khoảng 10cm; không đặt màn hình thẳng đứng nhằm tránh tình trạng phản chiếu ánh sáng. Khoảng cách giữa thiết bị và học sinh là 40cm đối với điện thoại di động; 60-65cm đối với máy tính để bàn, máy tính xách tay (ngón tay chạm màn hình khi trẻ duỗi thẳng cánh tay).

 

Với tivi, khoảng cách ước lượng lớn hơn 1,5 lần kích thước màn hình. Ví dụ: tivi 50 inches, khoảng cách phù hợp >75 inches, tương đương khoảng 2m.

 

Cần hạn chế cho trẻ học bằng điện thoại bởi màn hình điện thoại khá nhỏ, tốt nhất nên sử dụng máy tính để bàn (desktop) hoặc máy tính xách tay (laptop). Có thể sử dụng tivi kết nối với máy tính xách tay để có được một màn hình lớn hơn, tuy nhiên cần lưu ý đến độ cao và khoảng cách của tivi đối với vị trí của trẻ.

 

Việc xây dựng thời lượng học tập của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay (35-45 phút một tiết học, có 5-10 phút chuyển tiết và có giờ giải lao 15-20 phút sau mỗi 3 tiết học) đã dựa trên khả năng tập trung của mắt. Do đó, phụ huynh nên nhắc nhở các bé thời gian nghỉ giữa 2 tiết học và thời gian giải lao để nghỉ ngơi mắt. Khi giải lao, phụ huynh không nên cho trẻ tiếp xúc với thiết bị kể cả tivi.

 

Những năm gần đây, Việt Nam ghi nhận ngày càng nhiều những rối loạn TIC ở trẻ em, đặc biệt là bé trai ở độ tuổi đến trường. Bên cạnh những bất thường não di truyền hoặc các chất dẫn truyền thần kinh và một số yếu tố sinh học, việc tiếp xúc với thiết bị điện tử sớm và kéo dài cũng được cho là một trong những yếu tố thuận lợi có thể gây ra hội chứng này.

 

TIC được chia thành nhiều nhóm: TIC vận động, TIC âm thanh đơn giản, tạm thời; TIC phức tạp, mãn tính cho đến hội chứng thần kinh Tourette.

 

Nháy mắt liên tục, chun mũi, nhún vai, lắc đầu… là các triệu chứng thường gặp trong rối loạn TIC vận động. Hiện nay, quá trình điều trị rối loạn TIC thường kéo dài; xoay quanh các liệu pháp tâm lý - hành vi, kết hợp sử dụng thuốc. Phụ huynh nên chú ý phát hiện sớm và điều chỉnh kịp thời.

 

Khi nhìn gần liên tục trong thời gian dài, mắt sẽ có hiện tượng mỏi điều tiết, cận thị giả (cận thị do co quắp điều tiết) với các biểu hiện đỏ mắt, cảm giác cay mắt, khô rát, chảy nước mắt, chớp mắt, dụi mắt, đau nhức mắt, nhạy cảm với ánh sáng, nheo mắt, nhìn mờ khi thay đổi khoảng cách giữa xa và gần, đau đầu, mỏi vai gáy.

 

Cận thị giả khi có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn mắt phù hợp và sử dụng thuốc liệt điều tiết (nếu cần) có thể trở về bình thường, không cần mang kính. Tuy nhiên, nếu có nghi ngờ, phụ huynh nên cho trẻ đi khám mắt để có chẩn đoán chính xác.

 

Việc mang tai nghe khi học sẽ giúp trẻ nghe rõ lời giảng của thầy cô và hạn chế xao lãng từ âm thanh xung quanh. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã khuyến cáo rằng việc sử dụng tai nghe liên tục, kéo dài với âm lượng lớn (từ trên 80 dB) sẽ khiến các tế bào thần kinh ốc tai phải làm việc quá sức gây giảm thính lực của trẻ.

 

Để việc học trực tuyến của học sinh đạt hiệu quả, ngoài lưu ý về đặt thiết bị, quý phụ huynh cần lưu ý góc học tập cần riêng tư, yên tĩnh và thoáng mát cho trẻ. Bên cạnh đó, trẻ cần được cung cấp đầy đủ các nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất.

 

Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của mắt (nhìn mờ, nheo mắt, nháy mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt…) và của cơ thể (mệt mỏi, kém tập trung, đau đầu, mỏi vai gáy…), phụ huynh nên đưa trẻ đến khám và điều trị kịp thời tại các cơ sở chuyên khoa.

 

ThS.BS.CK2 Nguyễn Thành Danh - Bệnh viện Nhi Đồng 2

 

Đăng bởi: Thúy Nguyễn

[Trở về]

Các tin khác