Nhiễm COVID-19 ở trẻ em có nguy hiểm như ở người lớn hay không ❓❓❓
Ngày đăng: 16/09/2021
Lượt xem: 2474
Mới đây trong một cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết từ đầu năm 2021, TP.HCM ghi nhận khoảng 14.800 trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19.
Trong số đó có 13 trường hợp đã tử vong. Hiện vẫn còn 2.800 ca F0 là trẻ em đang điều trị. Hầu hết trẻ bệnh nặng và tử vong đều có bệnh lý nền, trong đó có những bệnh rất nặng như ung thư.
Dù vậy thống kê trên cũng khiến nhiều phụ huynh lo lắng và đặt ra câu hỏi: liệu nhiễm COVID-19 ở trẻ em có nguy hiểm như ở người lớn hay không?
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Dã chiến số 11 (đặt tại TP Thủ Đức) cho biết, nơi đây đang tiếp nhận điều trị theo dõi cho 514 trẻ dưới 16 tuổi trên tổng số gần 3.000 bệnh nhân.
Hầu như tất cả bệnh nhi hiện tại đều là các F0 mắc bệnh ở mức độ vừa và nhẹ. Tính từ lúc đi vào hoạt động đến nay, cũng chỉ có 3-4 trường hợp bệnh nặng phải chuyển viện lên tuyến trên và đều là các trẻ có sẵn bệnh nền.
Khó khăn nhất của việc điều trị, theo dõi trẻ em là phải tiếp nhận luôn cả người lớn đi kèm để chăm sóc. Một số trường hợp khi cha mẹ nhiễm bệnh nặng không có khả năng chăm sóc, BV phải cử nhân viên y tế thay phiên nhau chăm sóc như người nhà.
Còn tại BV Nhi Đồng 2, nơi điều trị COVID-19 tầng cao nhất cho trẻ em, bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm kiêm quản lý khoa Điều trị COVID-19 cho biết, từ khi BV bắt đầu nhận F0 vào tháng 6/2021, đến nay đã có khoảng 1.300 bệnh nhân được tiếp nhận.
Hiện tại, BV đang điều trị cho 228 trường hợp nhiễm, trong đó chiếm 60% là trẻ em, bao gồm trẻ sơ sinh, trẻ dưới 12 tháng và trẻ có bệnh lý nền nặng như ung thư, bệnh về huyết học, nội tiết, suy thận, phổi mãn tính, ...
Theo bác sĩ Việt, một vấn đề khá phức tạp của việc điều trị COVID-19 trẻ em là khi trẻ mắc bệnh bắt buộc phải có người nhà theo chăm sóc.
Với bệnh nhi F0, ngoài điều trị các nhân viên y tế cũng phải lo về dinh dưỡng, ăn uống, tã sữa…
Nhiều trường hợp người nhà là F1 trở thành F0 và nhiễm bệnh nặng buộc phải chuyển đến các cơ sở điều trị người lớn, khiến BV gặp khó khăn trong việc vận chuyển và sau đó phải liên hệ để gia đình cử người vào thay thế chăm sóc trẻ.
Với các trường hợp trẻ sơ sinh là F0 bắt buộc phải có mẹ chăm sóc, nguyên tắc là "một mẹ, một con".
Về tâm lý chung, cha mẹ sẽ rất lo lắng cho con nên ngoài việc điều trị chính thì tất cả các vấn đề khác dù nhỏ như việc trẻ bị côn trùng đốt, nổi mẩn đỏ… cũng sẽ được cha mẹ gọi ngay cho nhân viên y tế, khiến áp lực công việc sẽ tăng lên.
Đó là chưa kể các vấn đề về dinh dưỡng, ăn uống, tã sữa… cũng phải được lo đầy đủ, khi bệnh nhân không thể rời nơi điều trị tự đi mua.
80% trẻ nhiễm COVID-19 rất nhẹ
Thống kê tại BV Nhi Đồng 2 cho thấy, đến nay tỉ lệ trẻ em nhiễm COVID-19 diễn tiến tử vong tại bệnh viện khá thấp.
Với các trường hợp trẻ nhiễm COVID-19 béo phì, trẻ dễ trở nặng nhưng may mắn đều cứu được. Hiện BV đang còn 3 ca trẻ béo phì phải thở máy hoặc thở oxy dòng cao (HFNC).
Trẻ béo phì mắc Covid- 19 dễ diễn biến nặng
Về phương pháp điều trị, bác sĩ Việt cho biết phác đồ điều trị COVID-19 ở trẻ em là tương tự như người lớn, chủ yếu sử dụng các thuốc hạ sốt hay kháng đông, kháng viêm, thuốc điều trị nhiễm siêu vi... Tuy nhiên ở trẻ nhỏ, liều lượng thuốc tuỳ thuộc vào chỉ số cân nặng (kg) của trẻ.
"Hầu hết trẻ nhiễm COVID-19 nói chung không có các bệnh lý nền đặc biệt như người lớn, cơ thể đang phát triển nên dễ dàng vượt qua.
80% trẻ nhiễm bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như ho, sốt không đáng kể. Chỉ khoảng 10% chuyển biến nặng cần phải vào khu hồi sức cấp cứu, thở oxy…
Với trẻ lớn (trên 5 tuổi) đã tự biết khạc nhổ, vệ sinh vùng hầu họng sẽ mau hết bệnh. Trẻ nhỏ và trẻ nằm một chỗ thở máy, không tự sinh hoạt được sẽ lâu hơn" – bác sĩ Việt phân tích.
Cũng theo bác sĩ Việt, hiện tại nước ta đang ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho người lớn và người có bệnh nền. Nhóm trẻ từ 12-18 tuổi đang được cân nhắc tiêm, nhất là trẻ có bệnh lý nền để giảm nguy cơ tử vong.
Ngoài vắc xin, việc 5K cũng cần tuân thủ. Phải vệ sinh mũi họng, răng miệng thường xuyên. Giãn cách là việc cần thiết để hạn chế số lượng bệnh.
"Người lớn khi đến lúc được ra đường đi làm cần phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch để hạn chế tối đa việc mắc bệnh và về nhà lây lan cho con em mình.
Nếu không may mắc bệnh, cần bình tĩnh vì nhóm trẻ em mắc bệnh trở nặng là không đáng kể, khoảng 7-10 ngày sẽ vượt qua. Hãy cố gắng chủng ngừa vắc xin sớm nhất có thể" - bác sĩ đưa ra lời khuyên.
Đăng bởi: Thúy Nguyễn
Các tin khác
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 12/2024 04/12/2024
Thông báo mời tham dự Hội nghị Khoa học Ghép tạng Trẻ em năm 2024 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 25/11/2024