Quá trình giành lại sự sống một trường hợp " Thập Tử Nhất Sinh"
Ngày đăng: 17/01/2017
Lượt xem: 6071
Bệnh nhân tên: P.Đ.M.N, sinh ngày 03/05/2004. Bé được phẫu thuật tại bệnh viện đa khoa tỉnh 3 lần:
- Lần 1: Chẩn đoán bệnh nang ống mật chủ, phẫu thuật cắt nang và làm miệng nối mật-ruột.
- Lần 2: Cách lần thứ nhất 7 ngày bé được chẩn đoán viêm phúc mạc do xì miệng nối sau mổ, phẫu thuật làm lại miệng nối.
- Lần 3: Ngày 05/01/2016 bé được chẩn đoán sỏi ống gan chung, phẫu thuật mở ống gan lấy sỏi.
Tháng 8 năm 2016, bé đau bụng cơn tăng dần kèm theo tình trạng nhiễm trùng nên nhập viện bệnh viện Nhi Đồng 2. Kết quả siêu âm và MRI đường mật cho thấy giãn đường mật trong gan do hẹp miệng nối.Tại đây bé được chẩn đoán: hẹp miệng nối ống gan chung-hỗng tràng sau mổ nang ống mật chủ. Bệnh nhân được phẫu thuật lần thứ 4 vào ngày 14/09/2016. Trong quá trình mổ chúng tôi có chụp kiểm tra đường mật thấy hẹp gần hoàn toàn miệng nối mật ruột.
Hình 1. Hình ảnh cản quang cho thấy hình ảnh hẹp miệng nối mật ruột (mũi tên). |
Vấn đề gặp phải trong việc làm lại miệng nối trong ca này là bé đã được phẫu thuật 3 lần nên các quay ruột và vùng cửa gan dính rất nhiều, gỡ dính rất khó khăn. Sau 4 giờ chúng tôi cũng làm lại được miệng nối cho bé. Sau mổ diễn tiến của bé không thuận lợi, bé còn sốt, đau bụng. Hình ảnh CT scan bụng cho thấy nhiều ổ tụ dịch trong bụng.
Hình 2: Nhiều ổ tụ dịch trong ổ bụng |
Sau theo dõi 14 ngày mà tình trạng bé không ổn chúng tôi quyết định phẫu thuật lần 5. Trong lần phẫu thuật này chúng tôi phát hiện có một vị trí thủng trên quai ruột đưa lên trong khi miệng nối lành rất tốt.Các quai ruột dính dữ dội, gỡ dính khó khăn, chúng tôi cắt một phần ruột dính, nối lại quay ruột đưa lên. Trong 1 tuần sau mổ tình trạng bệnh nhân nặng dần, bụng trướng nhiều, đau nhiều, nhiễm trùng tăng lên đến nhiễm trùng huyết. Siêu âm vẫn thấy tụ dịch nhiều trong ổ bụng. Hình ảnh X quang cho thấy ổ bụng mờ phía bên phải và sau đó là tràn dịch lên màng phổi.
Hình 3: Tụ dịch ổ bụng sau đó là dịch tràn lên màng phổi
Chúng tôi quyết định tư vấn người nhà nên phậu thuật thám sát, thoát dịch cho bé. Sau 5 lần phẫu thuật mà tình trạng bệnh ngày càng phức tạp, cha mẹ bé đã cảm thấy mệt mỏi và mong xin bé về để lo hậu sự dù bé là con quý.
Chúng tôi cố gắng thuyết phục cha mẹ bé cho bé được cơ hội coi như lần cuối vì đưa bé về thì chắc chắn bé không qua khỏi. Bác sĩ trưởng khoa, điều dưỡng trưởng, các bác sĩ phẫu thuật viên cố gắng thuyết phục cha mẹ bé đồng ý phẫu thuật. Rất may sau 1 tuần bé được phẫu thuật lại, lần này phát hiện thêm lổ thủng chổ khác dù hai miệng nối đã lành. Chúng tôi đặt một dẫn lưu Kehr qua lỗ thủng. Hậu phẫu bé diễn tiến thuận lợi. Giảm trướng, hết nhiễm trùng và ăn uống lại, rút ống Kehr và bé xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt. Vậy là sau 6 lần phẫu thuật, bé đã giành lại được sự sống về mình.
Nhận được lá thư cảm ơn từ người nhà. Chúng tôi vui và có nhiều động lực hơn mà làm việc.
Đăng bởi: BS. Vương Minh Chiều - Khoa Ngoại Tổng hợp
Các tin khác
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục thực hiện thêm ca ghép thận cho bệnh nhi từ người hiến chết não 28/12/2024
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024