Những điều phụ huynh cần biết về Cúm A H1N1 để phòng bệnh cho trẻ
Ngày đăng: 14/07/2009
Lượt xem: 9313
Bệnh cúm A H1N1 là bệnh nhiễm siêu vi (vi rút - virus) đường hô hấp cấp tính, có tính lây truyền cao, do một loại vi rút influenza týp A gây ra. Đầu tiên được gọi là cúm heo, nhưng sau đó được Tổ chức Y tế thống nhất gọi là Cúm A H1N1.
Sở dĩ được gọi là cúm heo là do nguồn gốc của chủng vi rút này xuất phát từ loại vi rút gây bệnh ở heo, lan truyền từ heo bệnh sang heo lành qua các giọt nước bọt lơ lửng, qua tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp, ngoài ra có cả heo mang vi rút không có triệu chứng. Các vụ dịch trên heo xảy ra quanh năm, với tỷ lệ mắc tăng vào mùa thu và mùa đông tại các vùng khí hậu ôn hòa. Bình thường vi rút này không gây bệnh ở người.
Các nhà khoa học đã phát hiện thấy chủng vi rút cúm A H1N1 này xuất hiện là do sự tái tổ hợp gen của 4 chủng vi rút: cúm người H3N2, cúm heo cổ điển, cúm gia cầm Bắc Mỹ, cúm gia cầm Âu Á. Do đó nó có khả năng gây bệnh cho người, lây truyền từ người sang người, từ người sang heo và ngược lại. Tuy nhiên, trong vụ dịch này người ta chưa thấy có trường hợp nào heo lây bệnh cho người.
Vì là bệnh lây lan qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn từ đường hô hấp (nước bọt, nước mũi, họng khi người bệnh ho, hắt hơi), do đó khả năng lây truyền của bệnh rất cao và nhanh. Bệnh còn có thể lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút và từ đó qua tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và gần, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như rạp hát, trường học, nhà trẻ, siêu thị...Hiện nay, trên thế giới đã có khoảng 100.000 người ở trên 100 Quốc gia mắc bệnh, và 450 bệnh nhân tử vong. Ở Việt nam, hiện đã phát hiện 236 trường hợp xác định bị nhiễm bệnh cúm A H1N1 (bằng phương pháp PCR phết dịch cổ họng). Tuy nhiên chưa có trường hợp nào có biến chứng nặng suy hô hấp.
Bệnh cúm A H1N1 có triệu chứng giống như bệnh cúm mùa thông thường. Có thời gian ủ bệnh khoảng 1 tuần, tuy nhiên có khả năng lây truyền từ 1 ngày trước và 7 ngày sau khởi phát bệnh.
Triệu chứng của bệnh bao gồm: sốt, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, rùng mình, và mệt mỏi. Một số người bệnh có thể có đi cầu phân lỏng, buồn nôn, nôn. Bệnh có thể từ nhẹ hoặc rất nặng. Có những trường hợp bị viêm phổi nặng có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
Thông thường trẻ bị bệnh trong vòng một tuần sẽ khỏi nếu được điều trị thuốc kháng vi rút đặc hiệu là Oseltamivir phospate (Tamiflu) hoặc Zanamivir (Relenza), hoặc đôi khi không cần điều trị đặc hiệu mà chỉ cần điều trị triệu chứng cũng sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, trên cơ địa suy giảm miễn dịch như mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn tính ... sẽ dễ bị biến chứng viêm phổi nặng dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
Vậy có thể phòng ngừa mắc bệnh cúm A H1N1 bằng cách nào? Hiện tại chưa có vắc-xin để phòng bệnh. Các vắc-xin ngừa bệnh cúm mùa trước đây không có hiệu quả đối với cúm A H1N1 mới. Các biện pháp phòng bệnh đường hô hấp hữu hiệu là: đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi vì vi rút cúm A H1N1 có sức đề kháng yếu, dễ bị bất hoạt bởi bức xạ mặt trời, tia cực tím và các chất tẩy rửa thông thường. Tuy nhiên, vi rút cúm A H1N1 có thể tồn tại hàng giờ ở ngoại cảnh, đặc biệt khi thời tiết lạnh, do đó muốn tránh mắc bệnh cũng nên tránh đến chỗ đông người. Nên thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng, chất tẩy Natri hypochlorite 0,05%, cồn Ethanol 70 o.
Thế còn ăn thịt heo và các sản phẩm từ heo có an toàn không? Người ta chưa thấy khả năng cúm A H1N1 lây sang người do ăn thịt heo hoặc các sản phẩm từ heo đã được chế biến đúng qui cách vì vi-rút cúm A H1N1 dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 70oC khi nấu.
Tóm lại, bệnh cúm A H1N1 là một loại bệnh nhiễm vi-rút đường hô hấp cấp tính như bệnh cúm mùa thông thường nhưng có thể gây viêm phổi nặng có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
Các biện pháp phòng ngừa cho bản thân và cộng đồng, và phát hiện sớm bệnh:
w Che miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khẩu trang, khăn tay hoặc tay áo.
w Giữ gìn vệ sinh cá nhân.
w Rửa tay thường xuyên với xà phòng và tránh chạm tay vào mặt.
w Tránh xa những người bị bệnh, hạn chế đến nơi tập trung đông người.
w Ở trong nhà (không đến trường) nếu trẻ không khỏe.
w Đi khám nếu trẻ sốt, ho, đau họng, đau người, đau đầu, ớn lạnh và mệt mỏi, đặc biệt có đi đến vùng dịch trong vòng 7 ngày.
Đăng bởi: BS.CK2.TRỊNH HỮU TÙNG - PHÓ TRƯỞNG PHÒNG KHTH
Các tin khác
Đừng quên chích ngừa sởi khi còn có thể! 12/09/2024
Bệnh Sởi Và Những Điều Cần Biết 15/08/2024
Bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng ngừa 13/07/2024
Tiêm vắc-xin để chủ động phòng bệnh Sởi 27/03/2024