Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có tự khỏi hay không?
Ngày đăng: 20/04/2012
Lượt xem: 26241
Câu hỏi:
Chào bác sĩ! Cháu năm nay được 3,5tháng nặng 6,6 kg. Lúc sinh nặng 3,3 kg. Khoảng 2 tháng cháu đi khám ở BV Nhi đồng 2 được chuẩn đoán là mềm sụn thanh quản và biết là sẽ tự khỏi sau 12 đến 18 tháng.Đến 3 tháng cháu đến Cty TNHH Ytế 548 (NguyễnChí Thanh-P7-Q11-TPHCM) để siêu âm tổng quát thì thấy các thứ đều tốt.Duy chỉ có thực quản bụng #9x18mm, vị trí mạch máu mạch bình thường, dấu bóng đôi, dấu RGO (+), dòng phụt ngược rõ(2L/5ph) và được kết luận là Trào ngược dạ dày thực quản. Em nghe nói là Trào ngược dạ dày thực quản có triệu chứng là ọc sữa mà bé nhà em không ọc sữa, chơi bình thường mà chỉ bú chậm và bú ít (khoảng 60ml)-bé nhà em bú bình do đầu ti mẹ ngắn bé ko ngậm được- BS có kê đơn thuốc là Motius, Meclo, Omeprazole để bé uống. Vậy em xin hỏi Trào ngược dạ dày thực quản có nguy hiểm và có tự khỏi ko? Có cần siêu âm lại không?(vì nhà em xa mà muốn siêu âm phải vào TP đi gần 1 ngày đường? Cám ơn BS.Thanh Bích
Trả lời:
Chào bạn,
Bé của bạn có một bệnh“Mềm sụn thanh quản”và bạn cũng đã biết là “tự khỏi sau 12 đến 18 tháng”. Vậy là yên tâm một thứ . Bây giờ đến bệnh Trào ngược dạ dày thực quản của bé đã được chẩn đoán bằng siêu âm. Hiện nay, việc chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản dựa vào chụp Xquang thực quản dạ dày có bơm thuốc cản quang để tìm dấu hiệu trào ngược dịch từ đường tiêu hóa lên thực quản; hoặc dùng một đầu dò đưa vào trong dạ dày để đo pH của dạ dày là phương pháp chính xác nhất (phương pháp này chưa làm được ở Việt Nam);..vv; còn siêu âm thì chưa được xem là phương pháp chẩn đoán chính xác đó bạn. Thường ở trẻ dưới 1 tuổi thì số lần trào phụt dịch lên thực quản phải nhiều hơn 10 đợt/ phút mới được xem là trào ngược.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản nếu nặng thường làm trẻ suy dinh dưỡng nặng, có khi phải nuôi bằng ống qua dạ dày hoặc cả bằng đường dịch truyền qua tĩnh mạch. Bé của bạn lên cân tốt nên không lo. Bệnh điều trị chủ yếu bằng chế độ ăn uống như chia nhiều cử nhỏ trong ngày và ăn thức ăn đặc chẳng hạn, lối sống như tránh khói thuốc, không nằm sau khi ăn , tư thế khi ăn bú và sau cùng mới dùng thuốc ..vv.
Bạn nên đưa bé đến gặp một bác sĩ nhi khoa về tiêu hóa để bác sĩ khám và hỏi bệnh cẩn thận xem bé nhà bạn có mắc bệnh trào ngược dạ dàythực quản hay không để bạn giảm lo lắng bạn nhé.
Chào thân ái.
Trả lời bởi: BS.CK2.Đặng Thị Kim Huyên - Phó khoa Khám bệnh
Các tin khác
Bé Sốt chỉ đắp lá thuốc được không? 18/02/2016
Làm sao phòng ngừa bệnh khò khè ở trẻ ? 12/11/2015
Mỗi khi bé ngẩng cổ lên thì nghe khò khè 02/04/2015
Nguyên nhân khò khè hô hấp ở trẻ 03/10/2014
Tư vấn hen suyễn 30/08/2014