Bấm vào hình để xem kích thước thật

Tôi có nên lúc nào cũng rầy la con?

Ngày đăng:  10/03/2011

 
Lượt xem: 9799

Câu hỏi:

        Con tôi năm nay 9 tuổi, học lớp 4. Bé luôn là học sinh giỏi 4 năm liền. Bình thường bé tỏ ra lanh lợi, hoạt bát và thông minh khi vui chơi. Nhưng chuyện học bài ở nhà và sinh hoạt ăn, uống, đi tắm thì ngày nào tôi cũng như “đánh vật” với bé rất lâu. Nếu không liên tục nhắc nhở, hò hét thì bé sẽ không chịu làm. Nhiều hôm mệt mỏi tôi quát con khàn cả tiếng, áp dụng khen, phạt với bé cũng không ăn thua. Làm cách nào để bé ý thức tự làm hoặc tập trung thực hiện các bài tập ở nhà mà không cần nhắc nhở, la hét?

 Ng.Thi LP (Quận BT)

Trả lời:

         Trẻ em, nhất là ở độ tuổi 7-9 tuổi, nhiều lúc làm cho ba mẹ bực mình. Nhưng đó đâu phải là chuyện lạ. Bởi vì, nếu không vi phạm, quậy phá thì bé chẳng còn là đứa trẻ nữa. Nếu rầy la mãi mà không có tác dụng, bạn hãy thử tìm phương pháp khác xem sao. 

       Trẻ từ 7-9 tuổi đôi khi làm bạn rất khó chịu. Những thay đổi nhận rõ ban đầu - nào là không còn gọn gàng như trước, nào là kéo lê đôi dép lẹt quẹt vào mỗi buổi sáng, chẳng thèm dọn dẹp đồ chơi khi chơi xong. Tóm lại, lúc nào bạn cũng có chuyện để nhắc nhở, rầy la bé. 

         Lúc đầu bạn cũng cố gắng nhắc nhở, thuyết phục và động viên trẻ ngăn nắp nhưng hình như tình hình chẳng chuyển biến. Bạn bắt đầu bực mình và lại rầy la. Bây giờ, gặp tình huống như vậy, bạn hãy bình tĩnh lại. Tất nhiên là chẳng có bậc cha mẹ nào lại thích rầy la con mình cả, nhưng những điều con bạn làm khiến bạn không hài lòng. 

 Lùi một bước

        Hãy xem xét lại những đòi hỏi của bạn, và xem điều đó có phù hợp với bé không. Bạn trả lời các câu hỏi sau nhé:

     -  Bạn có đòi hỏi quá cao con mình không? Có thể là không tưởng nếu bạn đòi đứa con 9 tuổi của mình luôn nhớ phải treo áo vào mắc trước khi đi ngủ, thay vì ném áo ở dưới sàn nhà. Hoặc liệu có bình thường khi một đứa bé mới 9 tuổi phải luôn nhớ đi học về đến nhà là phải đi tắm sạch sẽ ngay?

-      - Con bạn đã quá cố gắng chưa? Chẳng có gì để trừng phạt con bạn khi bé đi tắm mà tắm không sạch được, mặc dù  bé đã cố hết sức rồi. Rầy la con bạn trong trường hợp này thật là oan cho bé bởi vì bé không có lỗi gì.

-          -  Liệu có phải là “nước đổ đầu vịt” không? Trong mọi trường hợp, rầy la không mang lại kết quả như ý muốn và tần số lần rầy la của bạn càng lớn thì hiệu quả càng kém. Vậy bạn cần tìm 1 giải pháp trung hoà. Âm lượng rầy la con bạn càng lớn thì bé càng sợ tiếng thét chói tai này.

        Nếu các câu trả lời là “đúng” thì bạn hãy dừng việc rầy la của bạn lại. Thật là phí công sức nếu bạn làm cho cả hai đều mệt. Hãy tìm một cách tiếp cận thông minh và tạo ra nhịp cầu chứ không phải rào cản cho bạn và  bé

    Thay vì rầy la, hãy thực hiện một số biện pháp sau. 

Đòi hỏi con bạn một cách hợp lý hơn. Con trai của bạn có mặt mạnh, mặt yếu và hãy đặt các mục tiêu cụ thể cho bé. Nếu bé thường xuyên không ngăn nắp, đừng hy vọng lúc nào phòng của bé cũng sạch bóng. Trước hết hãy treo lại áo của bé ở sàn nhà lên mắc áo và mỗi khi lấy áo mặc lại cho con, hãy nhẹ nhàng nhắc nhở bé treo đúng chỗ. Dần dần, bé sẽ thấy điều này là đúng và làm theo. 

 Nhấn mạnh đến các thành công, không phải các thất bại. Bạn la lên, đơn giản là vì bạn sợ điều mình muốn bé sẽ không làm. Cần phải biết rằng nên động viên những cái con bạn có thể làm được và ít nhắc tới việc thất bại của bé. Hãy nói “Mẹ rất vui khi con rửa sạch cái chén này, lần sau, con thử rửa cái đĩa xem sao nhé” thay vì mắng mỏ “Tại sao cái chén lại sạch như thế này còn cái đĩa thì bẩn như vậy?” 

Hướng con dần dần vào các tiêu chuẩn. Một đứa bé 9 tuổi không thể hiểu được các chuẩn mực cho chính việc bé phải làm. Thay vì áp đặt một giờ đi ngủ hay đi tắm cố định cho con bạn, hãy thỏa thuận với bé một giờ thích hợp cho cả hai người và ấn định giờ đó. Chuyện sẽ đâu vào đó thôi. Hãy gọt giũa những đòi hỏi của bạn để phù hợp với nhu cầu và khả năng của bé. Lúc đó, bạn chẳng phải phí công để la lên nữa. Khi không khí trong gia đình đã được cải thiện, các căng thẳng đã bớt đi thì bạn sẽ thấy yêu con mình hơn bao giờ hết. Thay vì lúc nào cũng phải để ý, thăm dò, phỉnh nịnh hoặc la lối con, giờ đã đến lúc bạn và con bạn hạnh phúc vui vẻ bên nhau với những “chấp nhận” hòa hiệp giữa 2 người.

 Chúc bạn kiên nhẫn và thành công

 

Trả lời bởi: Kiều Thanh Hà - Chuyên viên tâm lý

[Trở về]

Các tin khác